VIÊM XOANG LÀ GÌ? PHÂN LOẠI VÀ NGUYÊN NHÂN VIÊM XOANG

AN XOANG TRIỆU HOÀ

Bệnh viêm xoang còn gọi là viêm mũi xoang, xảy ra khi có sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân này khiến cho lớp niêm mạc ở trong xoang bị viêm, phù nề, gây tăng tiết nhầy và ứ dịch trong các xoang, hệ quả làm cho các xoang bị tắc nghẽn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bùng phát, viêm nhiễm gia tăng khiến cho tình trạng viêm xoang sẽ ngày càng nặng nề hơn. Cụ thể thường do các tác nhân sau gây nên:

– Do nấm, virus, vi khuẩn: Các loại nấm, vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong các xoang làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang, chất nhầy bị ứ đọng khiến cho luồng không khí lưu thông bị cản trở, dẫn đến viêm nhiễm.

– Do tác nhân dị ứng: Những người hay bị dị ứng với thức ăn, hóa chất, thời tiết lạnh, độ ẩm không khí cao, phấn hoa, lông chó mèo, môi trường khói bụi ô nhiễm,… rất dễ bị viêm mũi xoang. Nguyên nhân được cho là do tình trạng dị ứng khiến niêm mạc mũi bị phù nề, dẫn đến tắc các lỗ thông xoang gây nhiễm trùng xoang. Những người sống ở vùng có mùa lạnh, thời tiết hanh khô hoặc khi độ ẩm tăng cao và nhiệt độ thay đổi liên tục như ở miền Bắc Việt Nam, thì có tỷ lệ người bị viêm xoang cao hơn rất nhiều.

Bệnh viêm xoang thường được phân loại dựa theo mức độ bệnh thành 2 loại chính là VIÊM XOANG CẤP TÍNH và VIÊM XOANG MẠN TÍNH. Ngoài ra, còn 1 cách phân loại khác dựa vào vị trí viêm. Cụ thể gồm

Phân loại dựa trên mức độ bệnh

– Viêm xoang cấp tính: Xảy ra do nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng giống như cảm cúm (đau đầu, chảy nước mũi/ nghẹt mũi, sốt, giảm độ nhạy của khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má…). Viêm xoang cấp có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng. Phổ biến hơn là viêm mũi xoang do virus. Bệnh thường hết trong vòng 1 – 4 tuần.

– Viêm xoang mạn tính: Viêm xoang cấp tính nếu không được điều trị tốt hoặc người bệnh có sức đề kháng yếu sẽ rất dễ chuyển sang viêm xoang mạn tính. Đó là khi các triệu chứng viêm xoang bị kéo dài triền miên trên 3 tháng hoặc thỉnh thoảng lại bị 1 đợt cấp, bán cấp trên nền viêm xoang mạn tính.

Ngoài ra, giữa viêm xoang cấp và mạn tính có thể phân loại thêm viêm xoang bán cấp, tức là khi các triệu chứng viêm xoang kéo dài 4 – 12 tuần. So với viêm xoang cấp tính, các triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn và được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.

Căn cứ vào vị trí của xoang mà phân loại thành các bệnh lý sau:

– Viêm xoang hàm trên: Các xoang hàm trên nằm ở vị trí phía sau xương gò má và là xoang cạnh mũi lớn nhất trong các xoang mặt. Biểu hiện là những cơn đau nhức vùng mặt, sưng quanh mắt và má, đôi khi xuất hiện tình trạng đau đầu.

– Viêm xoang sàng: Xoang sàng nằm sâu trong hốc mũi, phía sau mặt nên những biểu hiện viêm cũng không rõ ràng. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức đầu ở vùng gáy, bị chảy dịch mủ và ho kéo dài.

– Viêm xoang trán: Nằm ở vùng trán, khi bị nhiễm trùng hoặc sưng, xoang trán sẽ gây tình trạng đau nhức vùng giữa trán lan sang thái dương. Ở giai đoạn nặng, xuất hiện tình trạng đau vùng hốc mắt.

– Viêm xoang bướm: Xoang bướm nằm trong thân của xương bướm. Các triệu chứng khi bị viêm xoang bướm diễn tiến nhanh gồm sốt cao, rét run, nhức đầu, đau gáy, dịch chảy xuống mũi họng. Lan nhanh chóng ra hai bên mắt và gây tỷ lệ tử vong rất cao.

– Viêm đa xoang: là quá trình viêm niêm mạc của một hoặc nhiều xoang cùng lúc do nhiễm khuẩn từ một xoang lan sang các xoang khác, dị ứng, môi trường ô nhiễm, cấu trúc giải phẫu bất thường, cơ thể suy giảm đề kháng…